Ông cha ta có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ” hay “Một chào, hai dạ, ba thưa; Tưởng chừng mà dễ, mấy ai tận tường”
Lời chào có giá trị to lớn trong truyền thống văn hóa không chỉ riêng ở nước ta mà còn ở nhiều nước trên thế giới. "Mâm cỗ" là thứ cao sang thể hiện sự tôn trọng với người được mời đến ăn. Tuy nhiên lại không bằng lời chào vì lời chào thể hiện thái độ tôn trọng, thành kính của bản thân mình với mọi người, có thể là: ông, bà, bố, mẹ, thầy, cô, bạn bè… Nhận được lời chào chúng ta cảm thấy mình được tôn trọng, cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Như vậy ta có thể khẳng định lời chào có một ý nghĩa quan trọng và to lớn.Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, nước ta đã mở cửa và tiếp nhận nhiều luồng văn hóa khác nhau, nhưng làm sao để hòa mà không tan thì là một câu hỏi lớn đặt ra. Bên cạnh đó với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ai cũng bộn bề lo toan, miếng cơm manh áo, dường như văn hóa ứng xử, văn hóa chào hỏi bị lãng quên, xem nhẹ, thay vào đó là việc kiếm tiền. Vì bận rộn nên việc giáo dục con cái từ khi còn nhỏ cũng rất ít, ở thành phố mọi việc đều giao cho người giúp việc, giao cho cô giáo vì vậy việc giáo dục con càng khó hơn. Chính vì vậy mà ra đường, đến trường chúng ta không thấy ngạc nhiện vì trẻ nhỏ không chào người quen biết, học sinh không biết chào thầy cô, thậm chí còn không để ý là thầy cô đang đi hoặc đứng trước mặt mình. Chạy nhảy, đùa nghịch đâm sầm cả vào thầy cô rồi cũng không biết nói lời xin lỗi. Có bạn nhìn thấy thầy cô thì quay đi, có bạn thì chào vội vàng, có bạn thì chào nhanh quá, chào ngắn, chào tắt, lại còn chào sai. Những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống, nhưng nó lại có giá trị to lớn về mặt nhân văn, về giá trị chuẩn mực đạo đức trong xã hội.
Trẻ em là niềm hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của dân tộc. Việc bảo vệ và chăm sóc giáo dục trẻ em là trách nhiệm của nhà nước, của xã hội và của mỗi gia đình: “Trẻ em hôm nay, Thế giới ngày mai”. Việc giáo dục trẻ ngay từ khi còn nhỏ là vô cùng quan trọng trong sự nghiệp giáo dục, nhằm hình thành và phát triển nhân cách toàn diện cho trẻ sau này, trẻ nhỏ được ví như một tờ giấy trắng, nếu được giáo dục tốt trẻ sẽ có nền tảng kỹ năng từ bé. Trẻ thiếu kinh nghiệm sống, dễ bị lôi kéo, kích động..., thực dụng, dễ bị phát triển lệch lạc về nhân cách.
Trong công tác giáo dục kỹ năng sống đặc biết là kỹ năng chào hỏi trong mỗi nhà trường ở các cấp học nhất là cấp học mầm non cần đặc biệt chú trọng đến công việc này. Để mỗi đứa trẻ thực sự là những học sinh ngoan, lễ phép với cha mẹ, cô giáo và người lớn tuổi, các lớp trong nhà trường cần đưa yếu tố này vào tiêu chí đầu tiên mang tính quy định trong rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ. Lời chào, sự lễ phép của trẻ đối với thầy cô, người lớn tuổi là một phẩm chất, một kỹ năng không thể thiếu đối với trẻ ở tất cả các độ tuổi. Đó là yếu tố đặc biệt quan trọng trong nhân cách của một đứa trẻ và có ảnh hưởng lớn đến kỹ năng giao tiếp công việc, hoạt động xã hội của trẻ trong tương lai. Nhưng làm thế nào để một đứa trẻ có thói quen chào hỏi và chào hỏi đúng cách thì đòi hỏi giáo viên phải có tâm, luôn làm gương cho trẻ, dạy trẻ mọi lúc mọi nơi, trong mọi hoạt động khi trẻ ở trường; với nhiều hình thức như trò chuyện, quan sát tranh ảnh, thực hành.
VD1: Trong giờ đón trả trẻ trước khi trẻ vào lớp cô cần nhắc trẻ chào ông, bà, bố mẹ nhưng phải dạy trẻ đúng cách là khi chào người đứng thẳng, hai tay khoanh trước ngực, miệng nói cháu chào ông ạ (Bà ạ, bố ạ, mẹ a, cô ạ) kết hợp đầu hơi cúi thể hiện sự thành kính và khi vào lớp vẫy tay kết hợp nói tôi chào các bạn.
Khi trẻ vào lớp cô tiếp tục trò chuyện tạo tình huống để trẻ khắc sâu kiến thức, kỹ năng chào đúng cách tạo cho trẻ thói quen mà đi đâu trẻ cũng mang theo không thể thiếu trong mình.
VD2: Trong hoạt động học khi gọi trẻ lên phát biểu cần dạy và rèn cho trẻ sự lễ phép trước khi trả lời câu hỏi của cô phải khoanh tay và nói “Con thưa cô”; “ Con thưa cô con đọc bài” hay trẻ muốn đi vệ sinh thì trẻ phải nói được “ Con thưa cô con đi vệ sinh”…
VD3: Trong giờ chơi cô giáo tạo tình huống để trẻ được thực hành kỹ năng chào hỏi
Bên cạnh đó giáo viên cần phối kết hợp với gia đình để hình thành thói quen, kỹ năng chào hỏi cho trẻ bằng cách làm gương vì trước khi cho trẻ đến trường, cha mẹ chính là người thầy đầu tiên của trẻ. Do đó khi trẻ bắt đầu nhận thức được về thế giới xung quanh thì trẻ sẽ có xu hướng học hỏi và làm theo các hành động của bố mẹ. Vì vậy khi dạy trẻ kỹ năng chào hỏi lễ phép, phụ huynh lên làm mẫu để trẻ noi theo. Phụ huynh có thể bắt đầu bằng cách vui vẻ chào hỏi những người thân trong gia đình khi ở nhà, khi đưa trẻ đến trường nhắc trẻ chào cô, các bạn nếu trẻ không chào phụ huynh có thể chào trước để trẻ bắt chước. Hơn nữa, phụ huynh cần tạo ra các tình huống giả định liên quan đến sở thích của trẻ để tang thêm hứng thú, giúp trẻ nắm nhanh và hiểu vấn đề sâu sắc hơn.
Tóm lại việc hình thành cho trẻ thói quen chào hỏi lễ phép giúp trẻ có thái độ đúng mực và lễ độ đối với người lớn tuổi hơn. Đây là một trong những hành vi thể hiện đức tính và nhân cách tốt đẹp của con người. trong giao tiếp ứng xử, việc biết chào hỏi lễ phép với những người lớn tuổi hơn sẽ khiến trẻ được mọi người xung quanh yêu quý và đánh giá là ngoan ngoãn, gia đình có nề nếp và giáo dục tốt. Không những vậy còn giúp trẻ tự tin trong giao tiếp.
Người viết
Nguyễn Thị Loan