Tai nạn giao thông đang diễn ra từng ngày từng giờ và có thể cướp đi mạng sống của con người bất kì lúc nào. Mỗi ngày trôi qua có nhiều sinh mạng bị đe dọa bởi tai nạn giao thông. Đáng buồn hơn khi không ít những nạn nhân của tai nạn giao thông là các em học sinh, trong đó có không ít trẻ ở độ tuổi mầm non.
Hiện nay, an toàn giao thông là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Những năm gần đây, số tai nạn giao thông xảy ra ở nước ta ngày càng nhiều. Số người chết vì tai nạn giao thông theo từng giờ, từng ngày đã lên đến mức báo động. Theo thống kê, cứ mỗi năm Việt Nam có tới hàng nghìn vụ tai nạn giao thông, nhiều nhất là xe máy. Vậy chúng ta những người làm cha làm mẹ đã và đang làm gì để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, tránh để những tai nạn đáng tiếc xảy ra cho gia đình và con em mình.
Nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông đối với các bé chủ yếu là do cha mẹ hoặc người lớn uống rượu, bia điều khiển phương tiện, chạy quá tốc độ quy định, lấn làn, lấn luồng, không chấp hành - thậm chí chống người thi hành công vụ, không ít các trường hợp xảy ra thật đáng tiếc lại chính từ sự bất cẩn của người lớn như cho trẻ ngồi không đúng tư thế, không đội mũ bảo hiểm cho trẻ, đèo trẻ không có đai an toàn hoặc để xe máy nổ chỉ có một mình trẻ ngồi trên xe, cho trẻ nhỏ một mình sang đường không có người hướng dẫn...
Trẻ em chưa hình thành ý thức đầy đủ như người lớn, vì thế không thể kiểm soát những hành vi đời thường, không thể nhận biết thế nào là nguy hiểm hay an toàn. Vì thế để đảm bảo an toàn giao thông cho con em mình khi đi đến trường cũng như khi tham gia giao thông, các bậc phụ huynh cần phối hợp cùng nhà trường trong việc giáo dục các em thực hiện an toàn giao thông tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Các bậc phụ huynh khi cho trẻ em đi ôtô cần lưu ý những vấn đề nhỏ nhất:
- Khi lên xe cần đảm bảo ngồi ngay ngắn, đúng vị trí ghế ngồi trong xe ô tô. Nên thắt dây an toàn trong suốt hành trình xe chạy:
- Không nhảy, leo trèo trong xe ô tô:
- Không mở cửa và thò đầu, tay chân ra bên ngoài.
- Chỉ xuống xe khi xe dừng hẳn và theo hướng dẫn của người lớn.
- Chọn chỗ ngồi thật phù hợp và không ở trong xe một mình.
- Cần lưu ý là việc dạy kỹ năng tham gia giao thông khi ngồi trên ô tô bao gồm cả xe ô tô công cộng như xe buýt. Lúc này, trẻ cần được hướng dẫn thêm việc lên xuống trật tự để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Trên đây là một số vấn đề cần lưu ý để đảm bảo an toàn giao thông cho trẻ em khi ngồi trên ô tô. Rất mong toàn thể các bậc phụ huynh và nhân dân thực hiện tốt để đảm bảo an toàn giao thông cho mọi người, nhất là đối với trẻ em.